Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. (Thành Tâm)
Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu đi Emmau, một làng cách thành Giê-ru-sa-lem chừng mười cây số. Có lẽ họ quay về quê cũ vì hành trình đi theo một người họ tin là Đấng Kitô đã bị cắt đứt. Họ không nhanh bước đi nhưng kéo lê đôi chân và con tim nặng trĩu. Họ nhắm tới Emmau nhưng không biết sẽ đi đâu sau đó vì chí hướng, “mộng vàng tan mây” với cái chết của Thầy Chí Thánh.
Không có vội vàng, không có mục đích, không có gì để mong đợi.
Nhưng trong lúc xem như đã mất tất cả, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến bên họ, đồng hành với họ. Lắng nghe hai người buồn rầu than thở, Chúa khẳng định:
“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24,25-27) Và rồi khi ngày sắp tàn, Ngài ngồi chung bàn với họ và
“cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24,30-31
)
Hành trình Emmau của hai môn đệ xưa kia rất giống hành trình đức tin của chính mỗi chúng ta ngày nay phải không? Thất bại, đau khổ, sự dữ là thực tại của cuộc sống trần gian. Nhưng Chúa Giêsu đã hứa
“sẽ ở cùng anh em tới ngày tận thế.” (Mt 28,20)
Hành trình Emmau là Thánh Lễ đầu tiên được cử hành. Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta diễn lại Hành trình Emmau. Với hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, Thánh Lễ kết nối chúng ta với Chúa Giêsu cách đặc biệt - cùng đi với Ngài tới làng Emmau “mới”, nghe Ngài nói qua Thánh Kinh, và được kết hiệp với Chúa Giêsu Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng mắt chúng ta có mở ra như hai môn đệ xưa để nhận ra vậy không?
Chuyện kể rằng, một buổi sáng Chúa Nhật kia thấy chồng mình đang chăm chú coi tivi, bà vợ hỏi sao ông chưa chuẩn bị đi lễ. Ông chồng trả lời ông đã đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật 30 năm. Trong 30 năm ông đã nghe gần 2,000 bài giảng nhưng ông chẳng nhớ bài nào cả. Ông thấy phí thời giờ để nghe và các linh mục phí thời giờ để giảng nên ông không đi lễ nữa. Bà vợ suy nghĩ một lúc rồi nói: Em lấy anh đã 30 năm. Trong 30 năm em nấu cho anh hơn 30,000 bữa cơm nhưng anh chẳng nhớ bữa nào. Vậy em phí thời giờ nấu cho anh ăn và anh phí thời giờ để ăn. Thôi em không nấu cho anh ăn nữa.
Trong những ngày phải trú ẩn vì dịch bệnh này, giáo dân chúng ta không được trực tiếp tham dự Thánh Lễ nên thấy thiếu vắng, mất mát nhiều. Ước mong rằng qua kinh nghiệm này mỗi người chúng ta thấy yêu mến, quý trọng Thánh Lễ hơn.