Bài Tin Mừng hôm nay kể, khi nghe Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống", người Do Thái tranh luận với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" (Ga 6:51-52)
Điểm chính của cuộc tranh luận của họ là hai chữ “Làm sao?”
Nếu chúng ta sống cùng thời với Chúa Giêsu, khi nghe Người nói như vậy có lẽ chúng ta cũng thốt lên “Làm sao được?”.
Lằn ranh phân chia khôn ngoan và ngu dại nhiều khi không rõ rệt. Hỏi “Làm sao được?” thường dễ và nhanh hơn là hỏi “Tại sao không?” Triết gia Plato, sống khoảng năm 427-347 trước Chúa giáng sinh, nói: "Người khôn nói là vì họ có gì đó để nói; Người ngu ngốc nói là vì họ phải nói một cái gì đó."
Bài đọc I, trích sách Châm Ngôn, nhắc nhở chúng ta rằng khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận Bánh Hằng Sống. Vậy ta “hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan". (Cn 9:6)
Vào năm 2010 Trung Tâm Nghiên Cứu Pew làm một cuộc khảo sát về mức độ hiểu biết của người Công Giáo Hoa Kỳ về giáo lý Công Giáo. Kết quả là trong 10 người có 4 người không biết rằng Giáo Hội dạy bánh và rượu đón nhận khi lên rước lễ không chỉ là biểu tượng nhưng thực sự là Mình và Máu của Chúa.
Thực vậy, Công Đồng Triđentinô (1545-1563) dạy rằng Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể cách đích thực, thật sự, và theo bản thể. Toàn thể Người hiện diện thực sự, mình, máu, thần tính và nhân tính, dưới hình bánh và rượu.
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô Tông Đồ căn dặn chúng ta: “Đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối.” (Ep 5:15)
Một năm học mới sắp bắt đầu. Mong rằng Lời Chúa hôm nay gợi lên trong mỗi chúng ta câu hỏi: Tôi phải làm gì để đào sâu sự hiểu biết về giáo lý và tín lý Công Giáo?