Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Mát-thêu 4,1-2
Bước vào tuần lễ đầu tiên của Mùa Chay, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về câu chuyện Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa.
Theo thứ tự thời gian, Chúa Giêsu chịu cám dỗ sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan. Cả ba lời xúi giục của Satan, “Truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi”, “Gieo mình xuống đi”, “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” nhằm thử lòng tin của Chúa Giêsu vào tiếng từ trời phán lúc Ngài chịu phép rửa “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
(Mt 3:17)
Là bước cuối cùng trong việc chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, sự kiện mà Chúa Giêsu trải qua nơi hoang địa được mô tả đúng hơn là một cuộc thử nghiệm để thử niềm tin của Ngài vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu vượt qua cuộc kiểm nghiệm và khẳng định địa vị của Ngài là “Con yêu dấu của Thiên Chúa”.
Cám dỗ không bao giờ do từ Thiên Chúa, nhưng Người để chúng ta bị cám dỗ. Sách Gương Chúa Giêsu (Thomas à Kempis) viết: “Bao lâu còn sống ở đời, ta còn phải chịu hoạn nạn và cám dỗ. Vì thế thánh Job nói: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.”
Hầu hết những cám dỗ đến từ bên trong chúng ta - tức giận, thèm muốn, mê ăn uống, ích kỷ, gièm pha và nhiều nữa. Chúng ta thường nghĩ rằng cám dỗ là lôi kéo làm điều gì đó xấu xa, nhưng nó tinh tế hơn thế nhiều. Cám dỗ là đi lạc khỏi những giá trị quý báu. Cám dỗ là đi lối tắt, tránh né, dung hòa các tiêu chuẩn. Cám dỗ vây quanh chúng ta như vi khuẩn cảm cúm, luôn đe dọa phá vỡ sức đề kháng.
Sống trong xã hội với văn hóa tiêu thụ một trong những cám dỗ lớn nhất là muốn có thêm mọi thứ. Xin cho qua việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành trong Mùa Chay Thánh làm vơi cạn nơi ta những ham muốn vật chất chóng qua, nhường chỗ trong tâm hồn cho Chúa ngự, để rồi chia sẻ ân sủng, tình yêu, hy vọng và điều kỳ diệu trong cuộc sống với mọi người chúng ta gặp gỡ.